
Một từ có 5 chữ cái thôi – và nó đã thay đổi cuộc đời biết bao con người. Còn nhớ lần cuối cùng bạn ngưng theo đuổi một giấc mơ nào đó chỉ vì bố mẹ bạn nói “Không”? Sẽ vui vẻ được bao lâu, nếu chúng ta cứ để cuộc đời mình bị chi phối bởi cái từ có 5 chữ cái ấy?
Tôi đã nghe người ta nói “không” với tôi rất nhiều. Và điều này không chỉ đúng với tôi. Từ lúc chúng ta sinh ra, cất tiếng khóc chào đời cho tới lúc đi học, và trong suốt cuộc đời đi làm, người ta sẽ nhai đi nhai lại chữ “không” trước mặt bạn.
Theo nghiên cứu của Đại học Stanford, từ “không” (“no”) đứng trong top 20 từ đầu tiên mà trẻ sơ sinh sẽ nói được. Còn từ “có” (yes)?
Đừng tìm, nó còn lâu mới lên được bảng xếp hạng. Bạn thấy đấy, các luật lệ, nguyên tắc toàn nói về chuyện bạn KHÔNG thể làm, KHÔNG nên làm, hoặc KHÔNG được phép làm. Không ai dùng từ “có” (“yes”) cả.

Tôi đã nghe, rất nhiều lần, người ta từ chối, phủ nhận tôi, nói tôi không có cơ hội, nói họ không tin tôi.
Người ta từng nói rằng tôi không mở ban nhạc được đâu, rằng tôi sẽ không được thu âm, rằng tôi không có khả năng thi vào trường luật, rằng tôi không thể bỏ học (trường luật), rằng tôi không thể tránh khỏi thất bại, rằng tôi không thể đẹp trai.
… Và mỗi lần nghe người ta nói “không”, tôi lại bắt đầu cảm thấy thích cái từ đó hơn một chút.
Anh nói “không” với tôi? Anh cho rằng anh có thể phủ nhận tôi? Nhầm rồi. Anh đang tiếp thêm động lực cho tôi đấy!
Bản chất tôi ưa được thách thức. Khi tôi nghe chữ “không”, nó châm lửa trái tim và thúc đẩy tôi hành động.
Khi người ta nói tôi không thể làm chuyện gì đó, tức là họ đang cho tôi lý do để phản kháng, đấu tranh, cho tôi mục tiêu để chứng minh anh ta sai rồi! Nó khiến tôi tập trung và nỗ lực hơn bất kỳ thứ gì trên đời.
Trong giới đầu tư mạo hiểm, người như thế gọi là đồ con lừa. Tôi gọi mình là đồ cứng đầu.
Chữ “không” trong tai tôi không khác gì tiếng súng nơi vạch xuất phát.
Tính cách như vậy, thành thật mà nói, không phải rất tốt. Nó đã khiến tôi rơi vào khá nhiều rắc rối, và hiển nhiên, sẽ lại kéo tôi vào rắc rối nào đó trong tương lai. Nhưng nó thiêu đốt tôi, thúc đẩy tôi chiến đấu cho những gì mình muốn. Tôi không trọng kết quả. Tôi chỉ muốn đấu tranh và đạt mục đích của mình bằng mọi giá.
Người ta sẽ nói “không” với bạn với rất nhiều lý do. Và bạn sẽ thấy chúng hầu hết chẳng có gì liên quan đến bạn, bối cảnh của bạn, hay năng lực của bạn.
Họ nói “không” vì họ nghĩ bạn không đủ năng lực để làm việc đó, hay vì họ không muốn bạn có năng lực làm việc đó, cũng có thể là họ hối hận vì đã lỡ làm chuyện đó và không muốn bạn lặp lại.
Đôi khi, họ thực sự tin rằng họ nói “không” là vì tốt cho bạn. Chẳng phải đâu. Lý do chỉ có một: họ nói “không” vì họ đọc vị bạn, và họ biết bạn muốn được nghe chữ “có”.
Khi bạn cho rằng chỉ cần yêu thích công việc của mình là đủ, và bạn muốn đến công ty và làm thật tốt phần của mình, muốn góp sức cho thứ gì đó tuyệt vời, người ta sẽ bảo bạn “không, đừng làm thế, bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc cho đến khi bạn bỏ việc và làm ông chủ của chính mình.”
Khi bạn thấy ghét việc bạn đang làm, bạn quyết ném tất cả vào sọt rác và mở công ty của riêng mình, người ta sẽ nói bạn “không, đừng làm thế, nó không đủ ổn định, bạn nhất định sẽ thất bại đấy.”
Chữ “không” sẽ luôn xuất hiện trên mỗi con đường, mỗi lựa chọn trong đời bạn. Chữ “không” nằm ở đó là vì các giả định luôn nghiêng về hướng tiêu cực.
Vấn đề ở đây là, có một và chỉ một người duy nhất đặt lợi ích của bạn lên đầu, đó chính là bạn. Những người khác thấy “điều tốt cho bạn” qua lăng kính của bản thân họ, đã bị móp méo và vẩn đục bởi những mất mát và thất bại mà họ từng trải qua. Họ muốn cuộc đời của bạn tuân theo quy luật đó, rồi khiến bạn cũng giống như họ.
Nhưng cũng đừng bao giờ cho rằng, khi người khác nói “không” với bạn nghĩa là bạn đang làm đúng. Tôi đã thấy những lời khuyên kiểu như vậy mọc trên mạng như nấm mọc sau mưa và phát tán như căn bệnh dịch hạch, và hậu quả cũng không kém gì hai thứ đó. Chúng chỉ gãi đúng chỗ ngứa, khơi dậy tâm lý phản nghịch và khiến người ta ảo tưởng về bản thân. Có đôi khi, bạn cảm thấy cơ hội xa vời và nhỏ bé đến mức bất cứ ai nói “không” với bạn cũng làm bạn cảm thấy chí lý. Nhưng thái độ đó cũng có thể làm bạn vĩnh viễn vô duyên với một số thứ tươi đẹp của cuộc đời này. Tuy nhiên, không được người khác tán thành hay cho phép cũng không có nghĩa là bạn không nên làm. Chữ “không” đánh dấu một sự thử thách, là một lời thách thức, là lời tuyên chiến. Có chăng chỉ là bạn đã sẵn sàng tiếp nhận khiêu chiến hay chưa mà thôi.
Tôi là người ích kỷ. Tôi muốn mọi người đều theo đuổi giấc mơ của họ. Và khi họ thành công, tôi sẽ được hưởng thụ những thành quả mà họ tạo ra: âm nhạc, hội họa, nghệ thuật, sách, tri thức, khoa học kỹ thuật và nhiều những thứ khác nữa.
Hãy yêu đi, yêu cái chữ “không” ấy đi. Hãy lấy nó làm đối thủ, lấy nó làm lời khiêu chiến. Điều đó không có nghĩa là bạn luôn đúng, nhưng ít nhất, bạn sẽ không đầu hàng một cách vô điều kiện.
CTV biên dịch và tổng hợp