Tại sao bạn nên quan tâm tới bản thân mình trước?

Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta mải bận tâm với các vấn đề của người khác mà quên đi chính bản thân mình. Nhưng liệu đó có phải luôn là một cử chỉ cao đẹp, đầy nghĩa hiệp?


Ở phòng tập thể hình mà tôi hay tới, một anh bạn tâm sự với tôi về việc trong một năm qua anh ta tăng 11 kg. Tôi thắc mắc tại sao. Anh ta giải thích rằng, anh đã bỏ quên sức khỏe của mình vì bận chăm sóc cho mẹ mình trong bệnh viện. Nhưng sau một thời gian, anh ta lại quay lại tập luyện vì nhận ra rằng đó không phải là một lý do chính đáng. Việc chăm sóc mẹ và chăm sóc bản thân là hai việc có thể làm cùng lúc.

Không phải tự nhiên mà mỗi khi lên máy bay người ta đều nhắc bạn: trong trường hợp khẩn cấp, luôn phải đeo mặt nạ dưỡng khí cho mình trước. Nếu bạn cứu được bản thân, bạn mới có cơ hội cứu giúp người nhà và những người khác. Nếu bạn cố đeo mặt nạ cho người khác trước, bạn có thể sẽ ngất, thậm chí chưa kịp đeo xong mặt nạ cho người kia.

Lằn ranh giữa việc cố gắng làm người tốt và trốn tránh vấn đề của bản thân bằng cách bận rộn với vấn đề của người khác là tương đối mờ nhạt. Joe Rogan đưa ra lời giải thích như sau:

 “Khi bạn gặp một người có vấn đề lớn hơn mình, bạn sẽ có cái cớ để tập trung vào vấn đề của họ thay vì giải quyết vấn đề của bản thân, vì bạn là đồ lười và chỉ muốn trì hoãn. Và người ta có thể kiếm ra những cái cớ rất quái đản để trì hoãn. Một trong số đó là tạo ra nhiều vấn đề lớn hơn, quan trọng hơn những vấn đề sẵn có mà họ muốn trốn tránh .”

Cách trốn tránh đó cũng chính là khởi nguyên của hội chứng nghiện làm việc. Thật dễ dàng để đắm mình vào công việc, nhất là khi bạn giỏi làm và bạn thấy thỏa mãn khi làm được việc, và xã hội sẽ không trách bạn. Nhưng đôi khi, chúng ta lại tạo ra nhiều vấn đề hơn từ đây. Chúng ta đuổi theo sự thăng tiến, lập công ty mới, và nhúng tay vào nhiều dự án nhỏ khác để trốn tránh những vấn đề chính mà đáng ra chúng ta cần xử lý (nhưng lại không muốn). Những vấn đề khiến chúng ta sợ hãi nhất. Những vấn đề khiến chúng ta hổ thẹn nhất. Những vấn đề quan trọng nhất.

Đây là 3 cách để chăm sóc bản thân, mặc cho bạn có ít ỏi thời gian đến mức nào:

1. Hãy làm một điều giúp bạn vui vẻ hàng ngày. Tập gym. Đọc sách. Hát karaoke. Viết sách. Hội họa. Đây là một phương pháp được khuyến nghị cho nhiều nhà khởi nghiệp để tránh làm việc kiệt sức. Nếu bạn là người làm các việc mang tính sáng tạo cao, hãy thử tạo ra một tác phẩm mà bạn sẽ không bao giờ để ai khác chiêm ngưỡng.

2. Phát triển bản thân. Tạo ra tầm nhìn và mục tiêu các nhân, biết rõ mình muốn làm gì và tại sao; và ghi nhớ rằng cuộc đời này là của bạn – chứ không phải ai khác. Tìm kiếm nguồn động lực bằng cách gửi email đến những người bạn ngưỡng mộ, có thể đơn giản chỉ là nói cảm ơn. Đọc sách về cuộc đời của những nhân vật mà bạn cho là thành công hoàn hảo.

3. Tăng dung lượng trống cho hoạt động của bộ não. Richard A. Swenson, M.D., viết nguyên một cuốn sách mang tên “Margin” về vấn đề này. Hãy để não bộ được nghỉ ngơi và để suy nghĩ bay đến chân trời vô định.

Danh hài Whitney Cummings đã viết, “Một điều mà tôi hiểu rất sâu sắc là tôi không thể cho đi những thứ mà tôi không có.” Để quan tâm đến người khác, hãy quan tâm tới bản thân trước: vì sẽ dễ dàng hơn nhiều để chia sẻ niềm vui, sự hăng hái, và động lực đến người xung quanh nếu chính bạn tràn đầy những điều đó. Vậy nên, hãy dành thời gian để nạp năng lượng tốt cho mình.

                                                                         CTV biên dịch và tổng hợp dựa trên bài viết của Herbert Lui.