Đối diện với thất bại

 Bạn có thường nói về thất bại của mình không? Nếu bạn giống tôi, thì câu trả lời là không. Như một điều hiển nhiên, chúng ta thường che đậy những thất bại của mình. Thật không vui khi tự nhận rằng mình đã thất bại. Có một sự thật là chúng ta thích nói về thành công hơn và thường che giấu trước mọi người những gì chúng ta làm chưa tốt. Điều đó cũng đúng với hầu hết các cuốn sách, bài báo, bài diễn thuyết, … Nhưng có bao giờ bạn đặt câu hỏi: Có gì sai khi thất bại? Và thất bại là gì? Thật ra, nó còn tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người. Tôi nghĩ chúng ta thường quá vội vàng khi phán xét chính mình. Ở thời điểm mà bạn đang trải qua, thất bại là thứ tệ hại mà bạn muốn nó biến đi thật nhanh. Thất bại cũng có nhiều kiểu nhiều dạng hơn người ta nghĩ, chẳng hạn như thất bại trong việc làm, trong kinh doanh, trong các mối quan hệ,….

Tôi sẽ kể bạn nghe một vài câu chuyện, những trải nghiệm của chính bản thân tôi:

  • Năm 18 tuổi, tôi bắt đầu kinh doanh đào tạo bán hàng. Nhưng, tôi chưa bao giờ bán hàng và tôi cũng không biết mình đang làm cái gì nữa.
    • Tôi đã cố gắng trở thành một DJ. Tôi đã mua thiết bị, dành hàng giờ để học nó, nhận một vài show diễn. Cho đến khi tôi phát hiện ra rằng tôi ghét cuộc sống về đêm.
    • Tôi đã chuẩn bị một kế hoạch chi tiết để mở một quán cà phê. Tất cả đã sẵn sàng. Rồi tôi nhận ra tôi không có đủ tài chính để trang trải.
    • Tôi bắt đầu kinh doanh một nhãn hiệu phụ kiện dành cho nam giới. Cuối cùng, tôi vẫn còn một đống cà vạt và ví trong kho.
    • Tôi muốn viết một cuốn tiểu thuyết. Và rồi tôi thậm chí đã không viết được một trang nào.
    • Một công ty Hà Lan yêu cầu tôi làm công việc tiếp thị cho công ty con của họ ở Mỹ. Đó là điều tệ hại nhất và tôi đã phải nghỉ việc sau sáu tháng.

            Nhìn lại, nhiều khi tôi nghĩ: Tất cả những gì tôi đã trải qua là thật sao? Chúng không quá tệ. Nhưng khi nó xảy ra, tôi đã nghĩ chắc là không còn gì có thể tồi tệ hơn được nữa. Đó là cảm xúc chung của tất cả mọi người khi đối diện với thất bại, mặc dù bạn không có gì phải xấu hổ vì điều đó cả.

            Tuần trước tôi đã nói chuyện với một người bạn. Anh ấy cảm thấy mình là một kẻ thất bại vì anh ấy đã 31 tuổi, nhưng mối quan hệ yêu đương thì không đi đến đâu,  không có nhiều tiền tiết kiệm, công việc thì chán ngắt. Nhưng với bản thân tôi, những điều anh bạn đó đang trải qua không quá tệ như anh ấy cảm nhận. Anh ấy có thể thay đổi tất cả những thứ mình không thích (ngoại trừ tuổi của anh ấy, tất nhiên rồi!). Trong tương lai, anh ấy có thể tìm kiếm một mối quan hệ mới, kiếm tiền và kiếm được công việc mà anh ấy yêu thích. Thật sự, tôi đã mất nhiều năm để thay đổi cách nhìn nhận từ việc “phán xét bản thân” thành “hướng về tương lai”.         

Cảm giác thất bại chưa bao giờ là dễ chịu.

Thành thật mà nói, tôi không muốn biết mình đã lãng phí bao nhiêu thời gian và tiền bạc cho tất cả những thất bại trong quá khứ. Mỗi lần nghĩ về nó, tôi cảm thấy thật chết tiệt.  

Mọi người thường nói “Thất bại chỉ là tức thời”. Nghe có vẻ rất nhẹ nhàng, nhưng sự thật thì lại rất đau đớn. Thật không dễ chịu khi bạn thất bại, đặc biệt khi bạn phải đối diện với gia đình, bạn bè hoặc một người bất kì mà bạn quen biết. Tất nhiên, bạn không nên để tâm đến điều đó. Nhưng suy cho cùng thì chúng ta cũng chỉ là những con người bình thường. Chúng ta bị chi phối bởi tình cảm và cảm xúc, chúng ta thường có khuynh hướng nghĩ nhiều đến những việc chúng ta muốn quên đi.

            Vì vậy, khi nói đến thất bại, tôi không có ý nói cảm giác thất bại là một cảm giác dễ chịu. Đôi khi, thật khó để chấp nhận những thất bại của bản thân, nhưng hãy nhớ rằng nó thường như thế này:

  • Bạn thất bại
  • Bạn cảm thấy thật chết tiệt
  • Bạn chấp nhận thiệt hại
  • Bạn xử lý nó
  • Rồi bạn vượt qua và tiếp tục tiến lên phía trước

            Nghe có vẻ dễ dàng, phải không nào? Nhưng ở trong hoàn cảnh đó mới thấy nó khó khăn đến nhường nào. Và đôi khi, tôi đã nghiêm túc đặt câu hỏi cho chính mình: Tại sao mình lại thất bại?

            Câu trả lời rất đơn giản: Chắc là do số phận.

            Thật ngô nghê phải không! Nghe như có chút trốn tránh nữa. Nhưng ít ra thì nó cũng an ủi chúng ta chút ít. Vả lại, câu trả lời đó chưa hẳn là hoàn toàn không chính xác. Vậy, số phận là gì? Tôi thích cách Heraclitus định nghĩa nó:

            Tính cách chính là số phận.

            Cái cách bạn đối mặt với thất bại sẽ tiết lộ rõ nhất tính cách của bạn.  

Đối với bạn, thất bại là điểm kết thúc hay là điểm khởi đầu?

            Nếu đó là điểm kết thúc, thì bạn bắt đầu phán xét chính mình, lòng tự trọng của bạn bị tổn thương. Nhưng nếu bạn coi thất bại là sự khởi đầu, bạn sẽ có động lực tiếp tục tiến về phía trước.

            Nếu bạn không ngại thử thách, không ngại trải nghiệm điều mới thì thất bại cũng đâu phải là cái gì quá sức tồi tệ. Mỗi lần thất bại, bạn sẽ học được một bài học mới. Và biết đâu, với mỗi bài học bạn học được, bạn có thể sẽ tiến gần hơn đến một thành quả nào đó trong tương lai.

            Mọi chuyện trên đời này đều có thể xảy ra. Bạn thất bại. Bạn mất thời gian, tiền bạc, và thậm chí cả bạn bè. Đôi khi, bạn nên tập yêu quý và trân trọng những mất mát. Bởi vì một ngày nào đó bạn sẽ nhìn lại và thấy mọi thứ trong cuộc sống của bạn đều có ý nghĩa.

            Và đó là cách mọi thứ diễn ra với tôi. Bây giờ, khi nhìn lại, tôi thật sự thấy hài lòng. Tôi thậm chí còn hạnh phúc vì đã thực hiện những nước đi đó và đã thất bại thảm hại. Và cũng nhờ vậy mà tôi có được những thành quả như ngày hôm nay.

            Hãy yêu chính cuộc sống của bạn như bạn đã và đang có!

            Bạn không cần phải nhìn vào bất cứ ai. Hãy mạnh dạn làm những điều mà bạn muốn. Có thể bạn sẽ thất bại, có thể bạn sẽ thành công. Nhưng nếu bạn không hành động, chắc chắn là bạn đã thất bại ngay từ ban đầu. Một ngày nào đó bạn sẽ cảm ơn chính mình vì đã cố gắng. Bởi vì nếu không có thất bại, sẽ không bao giờ bạn tạo ra phiên bản tốt nhất của chính mình.

            CTV biên dịch và tổng hợp dựa trên bài viết của Darius Foroux.