Cách tôi nhìn về công việc và cuộc sống

Điều mà mọi người hỏi tôi nhiều nhất không gì ngoài việc làm thế nào để cân đối giữa công việc và đời sống. Và mỗi lần, tôi đều rất khó kiếm ra cho họ một câu trả lời trực tiếp.

Đối với tôi, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là một khái niệm vớ vẩn. Bản thân chuyện bạn gọi nó là “sự cân bằng” đã ngụ ý là sẽ có một trong hai thứ mang tính tiêu cực, vì vậy cần phải trung hoà nó bằng thứ còn lại.

Và thường thì “công việc” sẽ rơi vào mảng tiêu cực, còn “cuộc sống” thuộc về phe còn lại. Nó như thể là hai thứ này tranh nhau giành giật lấy sự chú ý của bạn.

Nhưng công việc và đời sống không phải là hai thứ tách biệt. Chúng đều chỉ là một thứ, mà tên nó là CUỘC ĐỜI. Công việc là một phần của cuộc đời tôi, và nó không tranh cướp cái gì với ai cả.

Gia đình, bạn bè đều rất quan trọng, nhưng công việc chiếm một phần rất lớn tạo nên con người tôi. Tôi tin rằng công việc là một trong những thứ quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người.

Tôi cảm thấy công việc là lý do mỗi sáng tôi thức dậy. Nó là điều mà tôi thích được làm hàng ngày.

Đọc đến đây có lẽ bạn sẽ nói, tôi có thể nói những lời lẽ hiên ngang như chỉ bởi vì tôi có quyền quyết định việc mình muốn làm mỗi ngày. Ở một mức nào đó, có lẽ bạn nói đúng, nhưng đó là bạn không biết về tôi của mấy năm trước.

Tôi tâm niệm rằng mọi người đều có thể kiếm sống bằng những công việc mà họ yêu thích. Thường thì điều bạn cần là ý thức được rằng chính bạn mới là nhân tố quyết định sự hài lòng của bạn với công việc.

Thường thì công việc của bạn không dở đến vậy, mà chỉ là bạn thấy nó như vậy.

Cách đây vài năm, nếu tôi nhớ không nhầm, tôi có hỏi một người nhặt rác tôi gặp trên phố rằng chuyện gì xảy ra khiến ông phải làm công việc này? (hãy để ý cách đặt vấn đề của tôi, nó thể hiện tôi có cái nhìn tiêu cực khi nói về công việc của ông ấy)

Ông cười và nói: “Tôi đi nhặt rác đã được hơn 20 năm rồi, tôi yêu thích công việc này và tôi sẽ không bao giờ đánh đổi nó lấy cái gì khác.”

Tôi bị choáng khi nghe câu trả lời đó và không kìm được phải hỏi nguyên do. “Anh thấy đấy, tôi có thể lượn lờ vô công rỗi nghề cả ngày, nhưng thay vào đó, tôi có vinh dự được làm sạch thành phố này. Nó giống như được chơi game hàng ngày, đi khắp các con phố và so đấu tốc độ với những người nhặt rác khác.”

Đó là một câu trả lời tuyệt vời. Nó mở ra cho tôi một hướng nhìn mới về giá trị của công việc. Từ ngày đó, tôi không còn cho rằng tất cả những người nhặt rác trong thành phố đều ghét việc họ đang làm.

Nói cho cùng, công việc sẽ chỉ là “công việc” nếu bạn không yêu thích nó. Nếu bạn thích việc bạn đang làm, bạn sẽ không cảm thây nó là “công việc” nữa. Lẽ đương nhiên, bạn sẽ vẫn cần cân đối, vì làm gì cũng cần có sự cân đối giống như bạn không thể sống mà chỉ ăn sô-cô-la chẳng hạn.

Nhưng bạn không cần cái gọi là “cân bằng giữa công việc và đời sống”, bởi vì nếu bạn tách chúng ra để rồi cân đối chúng như vậy, bạn sẽ cần phải đảo lộn một trong hai. Hoặc là bạn phải chuyển sang công việc khác, hoặc là bạn phải thay đổi cách nhìn của mình về công việc mà mình đang làm. Có lẽ bạn không thích đi làm vì thấy mọi người đều ghét công việc phải làm từ Thứ hai đến Thứ sáu của họ, và bạn cũng nên thấy như thế.

Nhìn cái cách mọi người ăn mừng Thứ sáu đến và chán nản trước Thứ hai mà xem, phải là ngược lại mới đúng chứ. Hãy tưởng tượng mọi người đều yêu quý công việc của mình, chúng ta đều sẽ thấy buồn mỗi khi Thứ sáu đến vì nó mang tình yêu của chúng ta đi mất.

Tôi không nói nghỉ ngơi là sai trái, chỉ là cái cách xã hội căm ghét ngày Thứ hai khiến tôi khó hiểu.

Nếu có thể, tôi sẽ khiến mọi người ăn mừng ngày Thứ hai vì đó là khi cả thế giới tỉnh dậy. Chúng ta đi làm, đi sáng tạo, đi thực hiện những điều mình thích.

Hãy thử yêu Thứ hai đi, rồi bạn sẽ sớm hiểu những lời tôi nói.

CTV biên dịch và tổng hợp dựa trên bài viết của Tobias van Schneider.