
Bạn có đặt ra những mục tiêu lớn cho bản thân? Nếu bạn có tham vọng, hay đơn giản hơn là chỉ muốn làm được thật nhiều thứ trong đời, thì đây là một cảm giác mà bạn hẳn đã từng trải qua: có đôi khi, nhiều mục tiêu chỉ làm cho bạn bớt hiệu quả.
Tôi đã từng thấy rất nhiều người thành công cũng phải đối diện hoàn cành này, đó là khi bạn muốn sống một cuộc đời đầy ý nghĩa, bạn chợt nhận ra bạn có quá nhiều thứ để phải làm, quá nhiều mục tiêu để theo đuổi. Trước khi bắt đầu làm một việc gì đó, việc đề ra các mục tiêu sẽ giúp tôi biết mình đang đi về đâu. Tôi luôn đặt ra kế hoạch cho các mục tiêu với những thời hạn cụ thể. Khi biết mình muốn gì và khi nào cần đạt được mục tiêu, bạn sẽ thấy dễ hơn trong việc đặt ra kế hoạch cho mỗi ngày.
Chẳng hạn như, khi tôi quyết định tập chạy, tôi đặt ra mục tiêu: phải chạy 30 phút mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần. Từ đó, tôi chia nó ra thành các mục tiêu nhỏ, dễ đạt được hơn.
Lúc bắt đầu, tôi đi bộ 30 phút mỗi ngày. Về sau, tôi đi bộ 20 phút và chạy bộ 10 phút còn lại. Tôi cứ tiếp tục như vậy cho đến khi tôi có thế chạy một mạch 30 phút.
Hoặc, đặt giả thiết bạn là một nhà kinh doanh muốn kiếm được khoản tiền X mỗi tháng. Điều đó có nghĩa là bạn cần phải bán được một số hàng hoá, chẳng hạn như Y. Và nếu như bạn ước tính được tỉ lệ bán hàng thành công của bạn là 3.5%, từ đó bạn có thể tính toán được số lượng cuộc gọi, email hay lần giao dịch mà bạn cần phải hoàn thành mỗi ngày để kiếm được đủ khách hàng.
Những mục tiêu này đều tương đối đơn giản dễ hiểu.
Nhưng còn những mục tiêu lớn hơn hoặc khó đong đếm hơn thì sao? Ví dụ như:
“Tôi muốn thành triệu phú trước khi tôi X tuổi.”
“Tôi muốn tham gia một cuộc chạy marathon trong năm nay.”
“Tôi muốn tài khoản mạng xã hội của mình có 10000 người theo dõi.”
“Tôi muốn được hạnh phúc.”
“Tôi muốn lập gia đình càng sớm càng tốt.”

Là con người, chúng ta chỉ có khả năng ước tính hoặc dự đoán đến một mức nào đó. Điều này cũng có nghĩa là việc đặt ra mục tiêu sẽ không bao giờ chính xác 100%.
Tôi đã học áp dụng rất nhiều từ trường phái triết học Stoic. Và một nguyên tắc thường được nhắc đến trong trường phái này là: chúng ta chỉ nên tập trung vào những việc mà chúng ta có thể kiểm soát được.
Trong cuốn sách “Con đường đúng nhất là con đường nhiều chông gai”, tác giả Ryan Holiday có phân tích về một khái niệm của trường phái triết học Stoic: “những thứ phụ thuộc vào chúng ta, và những thứ không phụ thuộc vào chúng ta”.
Suy nghĩ kĩ, chỉ có duy nhất một điều mà chúng ta làm chủ được, đó là: Hành động của bản thân mình.
Đây là vài ví dụ về những điều mà chúng ta không thể làm chủ được:
- Thiên nhiên
- Tương lai
- Người khác
- Nền kinh tế
Nhưng khi bạn gần đạt được những mục tiêu lớn của mình, bạn làm như thể bạn có thể kiểm soát được kết quả. Và đó chính là hiểm nguy lớn nhất về việc “đặt ra mục tiêu”. Chúng ta tự lừa phỉnh bản thân rằng mình có khả năng quyết định cuộc đời của mình.
Đó không phải là sự thật.
Ở một chừng mực nào đó, việc đặt ra mục tiêu trên cơ bản là một lời nói dối. Nhưng đó có nên là lý do để chúng ta không đặt ra mục tiêu cho mình? Không, bạn không phải là sư thầy, nên không ai cấm bạn nói dối một chút cả. Cuộc sống là món quà cho chúng ta sống hết mình, và chúng ta phải cố gắng vượt qua những rào cản khó nhất, nếu chúng ta muốn hoàn thiện bản thân. Có thể khó tin, nhưng đặt ra những mục tiêu điên rồ là một trong những trợ lực giúp bạn làm điều đó.
Nhưng những mục tiêu đó sẽ trở thành gánh nặng khi bạn gặp phải ngăn trở.
Liệu có tính là thất bại nếu bạn chỉ có 100 người theo dõi, mà không phải là 10000 trên mạng xã hội? Nếu bạn không chạy marathon thì sao? Bạn có phải là kẻ thua cuộc nếu như hôn nhân bị đổ vỡ? Bạn có phải là kẻ thất bại hay không nếu đôi lúc cuộc sống của bạn không hạnh phúc?
Con người tự dày vò bản thân mình quá nhiều khi nói về “thành tựu” trong cuộc sống. Tư duy của chúng ta chợt thoái hóa thành hệ nhị phân. Chúng ta chỉ có thể nghĩ theo 2 thái cực: Thắng hoặc Thua.
Đó là nguyên nhân làm tầm nhìn của chúng ta bị hạn hẹp. Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy mục tiêu, và nếu mục tiêu rẽ trái rẽ phải, chúng ta cảm thấy áp lực, cảm thấy sợ hãi. Chúng ta luôn lo lắng vì những yếu tố mà ta không thể nắm trong tay.
Nếu bạn thấy mục tiêu ngày càng cách xa mình, hãy bình tình lại. Hãy thử thay đổi phương pháp tiếp cận.
Mục tiêu được đặt ra vì bạn muốn định ra một phương hướng cho tương lai. Thay vì đặt ra mục tiêu, bạn có thể tạo ra cho mình một hệ thống có thể đem lại kết quả tương tự.
Định nghĩa của tôi là như thế này:
Mục tiêu = một sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai
Hệ thống = quá trình lặp đi lặp lại
Thay vì chỉ chăm chăm vào mục đích, bạn hãy tập trung vào quá trình.
- Bạn muốn được giàu có? Hãy cố gắng tạo giá trị cho cuộc sống của nhiều người khác.
- Bạn muốn tên tuổi được công nhận? Hãy làm những việc vĩ đại.
- Bạn muốn thắng một cuộc đua? Hãy luyện tập hết mình.
- Bạn muốn được hạnh phúc? Hãy bớt lo nghĩ đi.
- Bên cạnh đó, hãy ngừng theo đuổi những thứ không cần thiết.
Nhiều hơn không phải lúc nào cũng tốt hơn, nhất là khi chúng ta nói đến vật chất, của cải và địa vị. Tôi rất tâm đắc với phát biểu của Seneca:
“Người nghèo không phải là người có quá ít, mà là người luôn đòi hỏi nhiều hơn.”
Một điều nữa: Đừng kì vọng quá nhiều.
Gần đây tôi có nói chuyện với một anh bạn từng là người trượt băng chuyên nghiệp. Anh ấy đã từng huấn luyện cho các vận động viên đi thi Olympic. Khi chúng tôi hàn huyên về việc đặt mục tiêu, anh ấy đã nói thế này:
“Nhiều vận động viên đặt ra mục tiêu cho sự nghiệp là phải thắng được một chiếc huy chương Olympic. Nhưng bất kể là bộ môn nào, trong hàng ngàn vận động viên chỉ có một vài người qua được vòng sàng tuyển. Và thậm chí khi bạn đã được chọn đi thi Olympic, vẫn còn có một số lượng lớn các vận động viên khác cũng khao khát chiếc huy chương vàng. Trong tất cả những người đó, chỉ 3 người được bước lên bục thưởng, và chỉ có duy nhất một người được đeo huy chương vàng. Hiển nhiên, không phải ai cũng có thể trở thành người duy nhất đó.”
Tất cả chúng ta đều kì vọng đạt được mục tiêu. Nhưng cho dù bạn không thắng cuộc hay không đạt được mục tiêu của mình thì cũng không có nghĩa là bạn đã không cố gắng. Đó cũng là lý do tại sao tôi thích khuyến khích nỗ lực hơn thành quả. Đối với tôi, nỗ lực là thành quả quan trọng nhất, thực tế nhất. Và may mắn thay, nỗ lực là một trong số ít những thứ trong đời mà ta có thể làm chủ được.
Thế nên, dù là làm gì đi nữa, hãy làm chủ sự nỗ lực của bản thân. Hãy luôn cố gắng hết mình.
CTV biên dịch và tổng hợp.