
Trong hầu hết những năm tháng của độ tuổi hai mươi, tôi theo đuôi (không phải theo đuổi) từ giấc mơ này đến ước mộng khác. Qua đó, tôi nhận ra một điều chưa từng dám nói ai: tôi muốn làm nhà văn. Tôi thấy bạn bè mình phát triển từ những tác phẩm nghiệp dư trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Và tôi ước ao được như họ.
Vì tôi ghen tị với những thành công của họ, tôi từng thử bắt chước những gì họ đang làm mà tôi nghĩ làm nên sự nghiệp của họ. Nhưng lúc đó, tôi không biết mình đang phạm phải vấn đề gì.
Một nhà văn mà tôi biết có một trang blog châm biếm nên tôi cũng thử viết, nhưng kết quả chỉ là những câu chữ cay nghiệt và những lời chế nhạo tầm thường. Một người khác viết về những sự kiện lớn trên thế giới qua cái nhìn tôn giáo. Tôi cũng thử viết, và tôi lại thất bại.
Trên thực tế, tôi đã mắc phải hầu hết những sai lầm mà một người mới vào nghề có thể gặp.
Tại sao lại như vậy?
Hóa ra, tôi lúc đó vẫn đang đóng vai một kẻ nghiệp dư, mơ mộng rằng thành công chỉ đơn giản là tìm ra một đề tài bắt mắt hoặc tìm được một tin tức hot. Nhưng sự thật là sự thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào đều cần một quá trình rèn luyện chứ không phải là mò mẫm tìm một cánh cửa thần kỳ đưa bạn tới thành công.
Tất nhiên, có nhiều cách để xúc tiến quá trình đó, nhưng đường tắt cũng là đường, vẫn phải đi mới đến được. Trong trường hợp của tôi, tôi chỉ bắt đầu thành công trong công việc viết lách khi tôi không còn chăm chăm nhìn vào kết quả. Khi tôi bắt đầu noi theo từng bước đi của những người chuyên nghiệp thay vì theo đuôi sự thành công của họ, kết quả bắt đầu đến với tôi.
Nếu bạn muốn trở thành nhân tài, thành chuyên gia trong lĩnh vực nào đó, bạn cần phải bỏ cái thói quen “chỉ nhìn kết quả, không quan tâm người khác cố gắng” của một kẻ nghiệp dư đi. Theo đuôi thành công mà không hiểu được ý nghĩa của quá trình sẽ chỉ mang lại kết quả trong ngắn hạn, hoặc là thất bại thảm hại.

Một người bạn của tôi, một nhạc sĩ tài ba và vô cùng thành công, có một lời khuyên cho những ai theo đuổi con đường của anh: “Đừng bắt chước tôi làm, hãy bắt chước cách tôi suy nghĩ.”
Vậy bạn phải làm như thế nào? Tôi đã quan sát và tổng kết ra 7 việc dân chuyên nghiệp làm còn hội nghiệp dư thì bỏ mặc.
1. Nghiệp dư chờ người khác công nhận rồi mới làm. Chuyên nghiệp tự nhận tự làm.
Bạn cần phải biết mình là ai trước khi nghĩ đến chuyện mình muốn làm gì.
Tự nhận thức là một phần quan trọng của cuộc sống, điều này càng thể hiện rõ trong sự sáng tạo. Thứ mà bạn sáng tạo ra có một phần rất lớn được quyết định dựa vào nội tâm của bạn, vì vậy, bạn cần làm rõ mình là ai, là người như thế nào. Nhưng quá trình tự nhận thức này cũng có rất nhiều đường rẽ.
Tôi đã lãng phí quá nhiều thời gian chờ đợi người khác công nhận tôi là nhà văn trước khi tôi nguyện ý hành xử như một nhà văn. Bây giờ thì tôi đã nhận ra, nhận thức luôn đi liền với hành động. Chúng ta cần phải tự bước đi trên con đường đến với giới chuyên nghiệp.
Trước hết, tôi cần nhận thức rằng mình là nhà văn, rồi sau đó tôi liền chau chuốt ngòi bút của mình.
Sự tự tin bắt nguồn từ việc nhận thức chính mình và sự quyết tâm theo đuổi nhận định ấy.
2. Nghiệp dư chỉ muốn đến đích. Chuyên nghiệp muốn tiến xa hơn.
Bạn cần phải làm một đồ đệ rất lâu trước khi có thể trở thành sư phụ.
“Chúng ta đều chỉ đang học việc trong cái nghề mà không ai từng đi tới đỉnh,” Hemmingway từng nói. Nói đơn giản là bạn cần phải học từ những người đã đi phía trước bạn, học tập từ sự thành công của họ, bắt chước kỹ thuật của họ, cho tới một ngày bạn tìm thấy đôi cánh của bản thân.
Trong một khoảng thời gian rất dài, tôi đã từng chỉ muốn mọi người khen ngợi, thưởng thức tài hoa của tôi. Nhưng khi tôi bắt đầu so sánh mình với những người đi trước, với những vị đại sư trong lĩnh vực văn chương, tôi nhận ra mình nhỏ bé, tôi nhận ra mình còn rất nhiều không gian để trưởng thành.
Hemmingway cũng từng như vậy, nếu không bị Gertrude Stein và Sherwood Anderson chà đạp vài năm ở Paris, Hemmingway sẽ vẫn chỉ là một nhà văn triển vọng mà không phải là một trong số ít những cây cổ thụ của giới văn học.
Nếu bạn không chịu học hỏi, nếu bạn cho rằng mình đã quá giỏi, chúc mừng bạn. Bạn đang bước trên con đường tắt dẫn tới thất bại và tên bạn sẽ vĩnh viễn không được ghi vào đâu cả.
3. Nghiệp dư chỉ muốn rèn luyện cho đủ. Chuyên nghiệp rèn luyện không ngừng.
Càng đau khổ càng cần phải rèn luyện.
Đến công ty đi làm mỗi ngày là không đủ. Bạn cần thử thách bản thân, tiếp tục bức ép bản thân vượt lên chính mình. Đây là cách mà chúng ta trưởng thành và phát triển.
Đã từng, tôi dành một vài giờ mỗi Thứ Bảy của tuần thứ ba trong tháng để viết bài. Nhưng tôi không hề tiến bộ, và tôi không thể hiểu được tại sao. Rồi tôi bắt mình viết 500 từ mỗi ngày chỉ trong 20 đến 30 phút. Trong một năm, tôi tìm thấy giọng văn của mình.
Trong việc rèn luyện thì tần suất quan trọng hơn số lượng. Kết quả của việc rèn luyện kỹ năng mỗi ngày một chút tốt hơn nhiều so với rèn luyện thật nặng nhưng cách nhau nhiều ngày. John Grisham cũng là người hưởng lợi từ nó – ông viết quyển tiểu thuyết đầu tay từng đoạn từng đoạn một trong một giờ rảnh rỗi duy nhất trong ngày mà ông có, một giờ trước khi đi làm. Và kết quả là sau 3 năm, ông sáng tạo ra một dòng văn học hoàn toàn mới: tiểu thuyết pháp luật hình sự.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông không dậy nổi lúc 5 giờ sáng mỗi ngày? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông bỏ cuộc vì nhìn thấy trước sự mệt mỏi của việc vừa viết tiểu thuyết vừa đi làm 70 giờ một tuần? Chuyện gì xảy ra nếu bạn cũng quyết định từ bỏ?
4. Nghiệp dư vươn tới ước mơ. Chuyên nghiệp bắc thang dẫn tới ước mơ.
Để hái quả trên cây, bạn cần đóng một cái thang mà không phải là vươn tay với với.
Sự nghiệp không phải là xây dựng dựa vào một hai bước tiến vượt bậc, nó được xây dựng trên mồ hôi và những bước đi đều đặn.
Gần đây tôi có cuộc nói chuyện với một nhà văn đã bán chạy hàng chục triệu quyển sách. Bạn có đoán được ông ấy bắt đầu thành công từ khi nào không? Sự nghiệp của ông bắt đầu lên cao từ quyển sách thứ 125 khi ông 45 tuổi.
Bạn cần phải đầu tư thời gian, nó giống như chạy đường dài hơn là chạy nhanh 100m. Tôi đã có một đoạn thời gian nổi bật mỗi khi tôi nảy ra một ý tưởng mới và bắt đầu một trang blog mới. Nhưng không có cái nào chịu được thử thách cho đến khi tôi quyết định chỉ tập trung vào viết một trang duy nhất.
Thứ bạn cần không phải là một ý tưởng hấp dẫn mà là sự kiên trì.
5. Nghiệp dư sợ thất bại. Chuyên nghiệp thèm thất bại.
Đường đến thành công đều được trải bằng thất bại.
Người chuyên nghiệp đều biết một điều, đó là thất bại dạy cho chúng ta nhiều thứ hơn là thành công. Thất bại là ý kiến phản hồi, và người thành công thực sự lắng nghe chúng để biết đường thăng tiến cho sự nghiệp.
Tôi đã từng nghĩ thất bại ngăn trở tôi đến với thành công, rằng mỗi lần thất bại tôi đều mất trắng và phải bắt đầu lại từ con số không. Bây giờ thì tôi đã hiểu, thất bại là con đường duy nhất dẫn đến thành công, mỗi lần thất bại đều dạy tôi một chút gì đó mà tôi không thể thiếu trên con đường sự nghiệp
Trong công cuộc tìm dây tóc cho bóng đèn Thomas Edison có nói: “Tôi chưa từng thất bại, tôi chỉ mới tìm được 10,000 loại vật liệu không thích hợp mà thôi.” Còn bạn, bạn dám thất bại bao nhiêu lần?
6. Nghiệp dư chỉ luyện một kỹ năng. Chuyên nghiệp luyện hai, ba cái.
Bạn cần nắm giữ nhiều hơn một kỹ năng.
Điều này không có nghĩa là bạn cần phải biết mọi thứ, nhưng bạn cần giỏi vài ba cái. Ví dụ, tất cả các nhà văn chuyên nghiệp tôi biết đều rất giỏi trong một số lĩnh vực khác ngoài viết lách. Có người làm quản lý quan hệ xã hội, có người là một chính khách khôn khéo, cũng có người là một diễn giả nổi tiếng.
Đối với những người làm trong lĩnh vực sáng tạo, bạn cần dành thời gian đa dạng hóa các kênh và phương tiện có thể đưa tác phẩm của mình đến với thế giới, hoặc bạn có thể làm nửa ngày và dành thời gian còn lại rèn luyện một kỹ năng khác.
Nói chung, bằng cách này hay cách khác, bạn cần học thêm một ít kỹ năng.
Với tôi, ngoài việc viết văn tôi còn thông thạo mảng kinh doanh và marketing. Nhưng trước đây, trong một thời gian dài, tôi chỉ chờ đợi mọi người nghĩ rằng tôi là một nhà văn giỏi và tiền sẽ đổ vào túi tôi từ đó. Nhưng đời không mấy khi đẹp như thế.
Gần đây, tôi có nói chuyện với một nghệ sĩ chuyên nghiệp ở New York. Anh kiếm sống bằng việc vẽ tranh và chụp ảnh. Anh, cũng như những người chuyên nghiệp khác, cho rằng các kỹ năng của chúng ta bổ sung cho nhau và thật lòng mà nói, khiến chúng ta đỡ phải đối mặt với áp lực phải trở thành số một thế giới nếu như chỉ tập trung phát triển một kỹ năng.
7. Nghiệp dư muốn được thừa nhận. Chuyên nghiệp muốn được ghi nhận.
Bạn cần biến câu chuyện của mình ghi vào lịch sử mà không phải là sự nổi tiếng nhất thời.
Những người chuyên nghiệp có những thành tựu to lớn, đáng nể mà tôi biết đều không chăm chú với những thành quả trước mắt – những khoản nhuận bút kếch sù, những cuộc phỏng vấn truyền hình, những buổi phát hành sách trước công chúng. Họ đều đang nghĩ về những đề tài bất hủ, những bước đi có thể khiến tên của họ còn sống mãi trong lòng người trong 100 năm tới.
Kẻ nghiệp dư chỉ quan tâm tới những thành công rực rỡ như pháo hoa. Người chuyên nghiệp quan tâm hơn đến việc trì hoãn những thứ hoa lá cành của hiện tại để đổi lấy thành công lâu dài.
Khi tôi bắt đầu chấp bút, tôi chỉ nghĩ được đến cái dòng đề tên tôi trong mỗi bài viết, câu hỏi duy nhất là liệu độc giả có thấy tôi thành công, thấy tôi nổi tiếng, thấy tôi quan trọng? Tại thời điểm này, tôi hiểu rằng, phía bên kia màn hình máy tính, phía bên kia những dòng chữ, là những cuộc đời mà tôi sắp nhúng tay chuyển ngoặt.
Khi mọi người hỏi tôi đã trở thành nhà văn chuyên nghiệp như thế nào, tôi đã theo đuổi ước mơ và khiến nó trở thành cây rụng tiền như thế nào, tôi đã từng không biết phải trả lời thế nào. Lúc đó tôi chỉ cười và trả lời cho qua chuyện theo kiểu: “Tôi được thần báo mộng nên tôi bắt đầu viết.” Nhưng qua một thời gian, tôi nhận ra, làm nên sự nghiệp của tôi là cả một quá trình mà tổng kết lại chính là 7 thói quen này.
Chúng là những thói quen mà tôi vẫn cố giữ đến giờ. Chúng là những nguyên tắc giúp bạn thực sự đến được với thành công. Nếu không giữ được nguyên tắc, bạn sẽ chỉ là đang chơi xổ số với sự nghiệp của mình.
Vậy nên, nếu bạn muốn trở thành một người chuyên nghiệp trong bất kỳ lĩnh vực nào, đặc biệt là trong văn học, tôi thật lòng khuyên các bạn hãy học các thói quen này ngay hôm nay.
CTV biên dịch và tổng hợp dựa trên bài viết của Jeff Goins.