
12 năm phổ thông. 4 năm đại học. 2 năm thạc sĩ (nếu muốn).
Đó thật sự là một khoảng thời gian dài. Liệu bạn có bao giờ tự hỏi: Đi học đại học có đáng với số tiền và thời gian mà chúng ta phải bỏ ra không? Và thật sự chúng ta học được gì ở đó?
Phương pháp học tập của tôi là làm đến đâu học đến đấy. Nếu nhìn từ hướng đó thì người như tôi tôi không cần học đại học. Nhưng tôi vẫn đi học, và nó mất tới sáu năm.
Hầu hết bạn bè và người quen có cách học như tôi đều không vào đại học mà trực tiếp kiếm việc làm. Nhưng tôi, tôi không chỉ tiếp tục đi học mà tôi còn rất trân trọng khoảng thời gian đó.

Tôi mất bốn năm để có tấm bằng Cử Nhân Quản Trị kinh doanh, và thêm hai năm cho tấm bằng Thạc Sĩ Marketing.
Rất nhiều người hỏi tôi:
“Tôi có nên vào đại học không?”
“Tôi có nên bỏ học không?”
“Con tôi có nên vào đại học không?”
“Tôi có cần một tấm bằng để xin việc không?”
Tôi không nghĩ mình là người có quyền trả lời những câu hỏi đó. Câu trả lời là của bạn, bạn quyết định bạn muốn làm được gì cho đời.
Điều duy nhất mà tôi có thể làm là chia sẻ vài dòng về những điều tôi đã học được suốt 6 năm nơi giảng đường.
Trong đó có những điều mà tôi cho rằng nếu không có những năm tháng ấy, tôi sẽ không bao giờ nhận ra.
6 điều quan trọng nhất tôi học được từ Đại Học là:
1. Việc học nên là một quá trình thú vị
Phần lớn các giáo sư của tôi đều chán ngắt. Hậu quả thường thấy là các lớp học này trở nên tẻ nhạt.
Nhưng cũng may, trong trường có vài vị giáo sư rất nhiệt tình. Và tôi nhận ra: Đi học không hề chán. Chán là người dạy học.
Sẽ chẳng có trường học nào là ngán ngẩm nếu tất cả các giáo viên đều giảng dạy với một bầu nhiệt huyết.
Tại sao giáo viên lại không muốn làm cho lớp học vui vẻ sinh động hơn? Tôi thật không thể hiểu được khi người làm nghề giáo lại nghĩ công việc của mình như làm cảnh sát. Nhà giáo là người đi dạy học, không phải đi bắt nạt học sinh.
2. Càng học nhiều càng thấy mình nhỏ bé
Khi ngồi ghế nhà trường, tôi học được đa phần là từ giáo sư, tư liệu và bạn bè cùng khóa. Là học sinh trong ngành quản trị kinh doanh, tôi thường phải tham gia thảo luận nghiên cứu nhiều kế hoạch nhóm và các bài tập mang tính thực tế. Qua đó, tôi học được nhiều những kiến thức cực kỳ bổ ích và hữu dụng.
Nhưng có một điều thú vị là: cứ mỗi năm học trôi qua, tôi lại càng cảm thấy mình không có câu trả lời chắc chắn cho mọi thứ.
“Hãy đánh giá một người bằng những điều mà anh ta hỏi, thay vì những đáp án mà anh ta đưa ra.” – Voltaire
Đấy là cái thú vị của sự học. Những kẻ vô tri thường tự cho rằng mình biết tất cả. Nhưng càng học được nhiều thì ta càng thấy mình chẳng biết gì cả.
Thế nhưng cũng có vài người càng học lên càng vô tri, vì họ cho rằng cái bằng đại học khiến cho họ tài giỏi hơn người.
Hãy nhớ rằng việc đi học đại học KHÔNG liên quan đến việc bạn có thông minh hơn người khác. Chúng ta không khác gì nhau, chúng ta đều chẳng biết gì cả.
3. “Suy nghĩ” là một kĩ năng
Thẳng thắn mà nói, tôi đã quên mất chừng 95% những thứ được dạy trên giảng đường. Nhưng tôi không quan tâm.
Quá nhiều người coi trọng chuyện phải học đúng ngành yêu thích ở đại hoc. Nhưng nếu bạn cho rằng mình chỉ nên học những môn mình yêu thích, bạn đã đến nhầm chỗ rồi.
Điều đáng giá nhất mà bạn học được ở đại học là khả năng tư duy.
Còn học là còn suy nghĩ. Và đó là một điều tuyệt vời. Thomas Edison đã từng nói:
“Chỉ 5 phần trăm nhân loại thật sự suy nghĩ; 10 phần trăm khác thì nghĩ rằng họ đang suy nghĩ; và 85 phần trăm còn lại thà chết còn hơn phải suy nghĩ.”
Nơi thế giới chúng ta đang sống, những người tháo vát, biết tự xoay xở sẽ dễ thành công hơn. Vậy làm thế nào để biết cách tự xoay sở?
Hãy rèn luyện não bộ của mình. Hãy học cách suy nghĩ.
4. Hoàn thành một việc KHÔNG dễ
Học đại học không hề dễ. Những kẻ nói rằng họ học đại học rất thoải mái đều không đáng tin.
Chuyên tâm học tập và nghiên cứu trong ít nhất 4 năm không hề nhẹ nhàng. Bên cạnh đó, giảng viên thường đặt ra những vấn đề khiến bạn khó ngủ. Đó là trách nhiệm của họ.
Ở đại học, bạn nhận ra rằng hoàn thành một việc thực sự rất khó – nó yêu cầu mồ hôi, nước mắt, và thời gian ngủ của bạn.
Nhưng những cố gắng đó sẽ chỉ càng khiến bạn tự hào khi bạn đã mò được đến cuối con đường và hoàn thành công việc của mình.
5. Kinh Nghiệm không bao giờ là sự lãng phí thời gian hay tiền bạn
Quá nhiều người hối hận rằng họ đã chọn nhầm ngành. Chính bạn hẳn cũng thi thoảng nghĩ rằng mình đã tốn tiền vô bổ vào một ngành học mà chằng liên quan gì đến cái nghề hiện tại.
Nhưng có cách nào khác để hiểu bản thân tốt hơn? Mọi chuyện bạn làm trong đời đều là một lần thử nghiệm.
Nếu thử nghiệm đó cho kết quả là thất bại, bạn có thể làm việc khác. Có thể bạn đã từng đổi môn học, đổi ngành nghề, thậm chí đổi trường. Sẽ chẳng có vấn đề gì, chỉ cần bạn không bỏ cuộc.
“Cuộc sống là một cuộc thí nghiệm lớn. Càng làm nhiều thử nghiệm càng tốt” – Ralph Waldo Emerson
6. Có rất nhiều cá thể khác nhau trên đời
Khi bạn lớn lên chỉ trong một khu vực, bạn cho rằng đó là toàn bộ cuộc sống. Bạn chỉ gặp từng đó người, nghe từng đó ý tưởng, sống từng đó cách…
Đó là cuộc sống, không sai, nhưng chỉ là một góc.
Nhưng một khi bạn bước chân vào đại học, bạn có thế sẽ gặp nhiều người tư một thành phố khác, một đất nước khác, và hẳn nhiên là họ suy nghĩ khác và sống khác bạn.
Đó là một cơ hội tuyệt vời để học hỏi về xã hội và thế giới xung quanh. Một cách nào đó, bạn đã có được một cơ hội để đi thăm thú thế giới. Chỉ khác là, thay vì bạn phải đến một nơi khác, “nơi khác” giờ đây đang đứng trước mặt bạn.
Những năm tháng ở đại học, tôi có dịp được làm việc cùng với học sinh từ Nam Phi, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ro-ma-ni, Đức, Mỹ, Canada, Bra-zin và Ấn Độ. Tôi chỉ có thể nhớ đến thế thôi. Chắc hẳn phải còn vài nước khác.
Nó cho bạn cơ hội để có một cái nhìn toàn diện hơn về thế giới, và những ngưới sống trong thế giới đó. Một điều chắc hẳn bạn sẽ sớm hiểu ra: chúng ta đều giống nhau, nhưng cũng lại rất khác nhau.
Đó là sự tuyệt vời của việc học đại học, cũng là của cuộc sống.
Nếu bạn có cơ hội, hãy đi học đại học. Còn không, hãy cố gắng học tập theo một cách nào đó khác.
Tôi không biết gì mấy, tôi nhớ mình đã nói vậy, nhưng có một điều tôi rất chắc chắn: Việc học không bao giờ có điểm cuối. Nên cho dù bạn có đang đi học đại học hay không thì cũng hãy luôn học hỏi từng ngày.
CTV biên dịch và tổng hợp dựa trên bài viết của Darius Foroux.