7 phương pháp gia tăng sức ảnh hưởng của bạn

“Ngôn ngữ tồn tại là để cho con người ảnh hưởng lẫn nhau.”

Nếu cho tôi chọn một bài tôi từng viết cho con đọc, tôi sẽ chọn bài này.

Vì sức ảnh hưởng là con thuyền đưa chúng tiến lên trong cái thế giới này, môt thế giới đầy những bất ngờ vô định.

Robert Cialdini là người có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Vì ông ấy đã viết cuốn sách “Sức ảnh hưởng” bán được 3 triệu đầu sách và định nghĩa 6 điểm quan trọng nhất của tất cả các kiểu ảnh hưởng.

Ông cũng vừa cho xuất bản cuốn “Pre-Suasion”, dịch nôm na là “Trước khi thuyết phục”, đi sâu vào các khái niệm trong việc thuyết phục người khác. Tôi đã mời ông ấy đến dự buổi phỏng vấn trên đài của tôi để tôi có thể hỏi rõ hơn về các khái niệm đó.

Đây là một trích đoạn trong quyển sách: Nếu bạn đặt tên nhà hàng của mình là “Quán 97” thay vì “Quán 17”, khách hàng thường sẽ cho tiền boa cao hơn.

Nếu bạn hỏi xin số điện thoại của một cô gái bên ngoài cửa hàng hoa (gợi lên những cảm xúc yêu đương), khả năng thành công sẽ cao hơn so với khi đứng trước cửa hàng xe máy.

Trong quyển sách còn hàng trăm ví dụ khác. Chúng nói lên hoàn cảnh là một yếu tố quan trọng trong việc thuyết phục không kém gì những lời bạn nói.

Trước khi vào phần phỏng vấn, tôi đã tặng ông ấy cuốn sách: “Lo ngại về sức ảnh hưởng trong thơ từ”, đây là một quyển phân tích về lịch sử thơ ca.

Thơ ca thì liên quan gì đến sức ảnh hưởng và marketing?

Từ xa xưa, trong tất cả mọi hình thức nghệ thuật, các nghệ sĩ thưởng chịu ảnh hưởng của những nhân tài thế hệ trước.

Beethoven thăng hoa từ các tác phẩm của Mozart. Picasso nhận ảnh hưởng từ Cezanne. Nếu không có Michelson thì cũng không có Einstein.

Nhưng các nhà thơ, vì một lý do nào đó, thường không thích tự nhận rằng mình chịu ảnh hưởng của người khác. Một nhà thơ đã từng thét vào mặt một nhà phê bình văn học: “Tôi chưa từng đọc thơ của Ezra Pound!” Họ muốn tác phẩm của mình là mới tinh, là độc đáo, là duy nhất.

Không có ai độc đáo 100% cả. Và nó khiến cho con người lo ngại về những ảnh hưởng của người khác lên họ.

Thật sự, phần lớn các quyết định và thậm chí sự sáng tạo của chúng ta được hình thành dưới sự ảnh hưởng từ nhiều hướng: bạn bè, thầy cô, tôn giáo, cha mẹ, sếp, v.v…

Ngay cả nhân cách của chúng ta cũng là một sự kết hợp của nhiều sự ảnh hưởng.

Cách chúng ta ứng phó với mối lo đó, cách chúng ta nhận diện sự ảnh hưởng, học tập và phát triển từ chúng, là khởi nguồn của sự sáng tạo.

Tôi có thể tóm tắt 7 phương diện quyết định sức ảnh hưởng như thế này:

  1. Có qua có lại – nếu bạn tặng người khác một chiếc thiệp Giáng Sinh, họ sẽ muốn tặng lại bạn.
  2. Sự yêu thích – hãy làm cho bản thân mình được người khác tin tưởng. Ví dụ, tổng kết những điều có thể khiến người khác không muốn giao du với bạn và xử lý chúng.
  3. Sự liên hệ – hãy nhờ vả một ai đó. Rồi người đó sẽ nghĩ, “Tôi là người đã và sẽ giúp đỡ bạn.”
  4. Bằng chứng xã hội – nếu bạn đang cần ai đó làm việc X, hãy chứng minh rằng “nhiều người như họ cũng đang làm việc X.” Nếu bạn là đàn ông muốn đi bar tìm kiếm bạn gái, hãy đi cùng mấy người bạn nữ giới.
  5. Thẩm quyền – chẳng hạn như “4 trên 5 vị nha sĩ kết luận rằng…”
  6. Sự khan hiếm – ví dụ như “chỉ còn có 100 chiếc iPhones ở cửa hàng này thôi!”
  7. Những điểm chung – bạn và tôi rất giống nhau bởi vì: nơi sống, niềm tin, tôn giáo, v.v…

Tôi đã thử sử dụng tất cả những điều trên trong kinh doanh. Chúng thật sự hiệu quả. Sử dụng đúng và chúng sẽ đem lại cho bạn nhiều lợi nhuận hơn.

Ngôn ngữ tồn tại là để cho con người ảnh hưởng lẫn nhau. Chúng ta không phải là những sinh vật mạnh mẽ. Chúng ta yếu đuối. Ngôn ngữ và sức ảnh hưởng chính là vũ khí của chúng ta.

Có lẽ từ “Chạy!” là một trong những từ đầu tiên con người nói được. Đó là một từ sinh ra để ảnh hưởng người khác. Và nó hiệu nghiệm cực kì. Đến bây giờ tôi vẫn đang chạy trốn khỏi những nỗi sợ của mình.

Vậy nên, hãy nói để ảnh hưởng người khác. Đừng chỉ nói để diễn tả vu vơ. Nói để đưa hồn vào ý tưởng, để chứng tỏ niềm say mê, để diễn giải cảm xúc, và để ảnh hưởng. Đây là cách duy nhất để người khác hiểu được tính sáng tạo của bạn.

Tôi đã tặng Robert quyển sách và tin rằng chúng tôi sẽ có một buổi trò chuyện tuyệt vời (“có qua có lại). Và đúng là thế thật.

Nhưng suy nghĩ kĩ lại, tôi không thể nhớ được tại sao tôi mời Robert đến buổi trò chuyện. Ấy thế mà tôi cứ liên tục quảng cáo cuốn sách của ông trong cả buổi trò chuyện và thậm chí trong bài viết này.

Khi buổi trò chuyện kết thúc và tôi tiễn Robert, một ý nghĩ chợt hiện ra, “Hừmmm, thật sự thì ai đã ảnh hưởng ai?”

                                                                  CTV biên dịch và tổng hợp dựa trên bài viết của James Altucher.