
Một cách văn vẻ mà nói, “lật sang trang mới” giống như chuyển sang mội giai đoạn khác trong cuộc đời. Bạn vừa chuyển nhà? Vừa bỏ việc? Vừa lập gia đình? Vừa trải qua một biến cố? Đấy là vài ví dụ về sự “lật sang trang mới”. Một giai đoạn mới – dù theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực (theo cách nghĩ của bạn) – chắc chắn sẽ chứa đựng không ít thay đổi. Vậy, bạn đã sẵn sàng cho những thay đổi đó chưa?
“Mỗi khi sang trang mới, cuộc đời đều yêu cầu bạn thay đổi.” – Leonardo DiCaprio.
Đời là một vở kịch dài. Sau khi hết một màn, bạn sẽ đóng một vai khác, với dàn diễn viên khác, và đối mặt với những thử thách khác.
Đóng màn sân khấu để chuẩn bị cho màn tiếp theo là một quá trình thay đổi, có được, có mất. Một điều chắc rằng, sự thay đổi trọng đại thường đi đôi với khó khăn. Quá độ lưu luyến với một vai diễn, đến mức cho rằng nó là toàn bộ cuộc sống của mình là chuyện thường xảy ra. Bạn nhận ra những nhân vật trong màn kịch trước đó không còn vai diễn trong màn kế tiếp, nhưng bạn đau lòng và bạn cố nhét họ vào.
Nếu bạn chấp nhận sự thật, cuộc sống sẽ mang bạn đến những bến bờ mà bạn không thể tưởng đến. Nếu bạn nhìn thoáng một chút, bạn sẽ làm được những chuyện mà bạn đã từng cảm thấy xa vời viển vông. Trích dẫn lời Biblo Baggins (Chúa tể của những chiếc nhẫn), “Frodo à, ra ngoài xông xáo là một chuyện rất nguy hiểm. Một khi cháu bước ra khỏi cửa, nếu không cẩn thận, cháu sẽ không biết đời cuốn mình đi đâu đâu.”
Bạn sẽ có vai diễn mới
Tạo hóa tạo ra tôm hùm là môt loài động vật thân mềm trốn trong một lớp vỏ ngoài cứng rắn nhưng lại có gai đâm ngược vào bên trong. Khi tôm hùm lớn lên, lớp vỏ này trở thành hạn chế, tù túng và thậm chí đau đớn. Khi nó không thể chịu được lớp vỏ này nữa, tôm hùm sẽ trốn dưới tảng đá, lột lớp vỏ cũ và mặc vào bộ đồ mới. Việc này lặp đi lặp lại trong suốt cuộc đời của nó.
Và mỗi bộ đồ mới của tôm hùm đều khác hoàn toàn so với cái cũ, đến nỗi sau khi lột xác, có lẽ đám bạn thân nhất của nó, hay thậm chí là chính nó nhìn vào gương, cũng sẽ không thể nhận ra.
Tương tự như vậy, các màn khác nhau trong vở kịch “cuộc đời” cũng có thể sẽ yêu cầu bạn trở thành một người bạn chưa từng nghĩ mình sẽ làm. Có thể bạn từng nhút nhát xấu hổ trong màn trước, nhưng những diễn biến mới có thể sẽ cần bạn phải đứng lên lãnh đạo và nói năng mạnh dạn.
Trong nền văn hóa đang thiên về hướng cá nhân (khác với hướng về cộng đồng như thời ông cha chúng ta), chúng ta thường nhìn nhận bản thân một cách tách biệt với hoàn cảnh, như thể chúng ta là một thể độc lập. Thế nhưng, ý nghĩa của một sự vật sự việc lại sẽ luôn phụ thuộc vào hoàn cảnh. Nói ví dụ, cái áo bạn đang mặc với bạn nó là một cái áo, với em bé nó có thể là cái chăn, và với con gián thì nó là một bữa trưa phong phú.
Một sự vật, sự việc đứng một mình chưa chắc nói lên được gì hết, mối liên hệ giữa chúng mới là điều quan trọng.

Giai đoạn chuyển tiếp giữa các màn (trong quá trình đổi vỏ)
Bước đệm chuyển giao từ giai đoạn này sang giai đoạn kế tiếp của cuộc sống là những cuộc khủng hoảng tâm lý, có nặng, có nhẹ. Chúng không dễ chịu, nhưng là quá trình tất yếu và chúng diễn ra một cách tự nhiên.
Theo thuyết Identity Status (tạm dịch là Trạng Thái của Thân Phận), trước khi bạn chấp nhận và hòa mình vào một thân phận (identity) mới, bạn sẽ trải qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý. Trong quá trình này, bạn giống như con tôm hùm đang lột xác. Bạn không rõ ràng lắm mình là ai, không biết sau đó sẽ ra thế nào.
Jeff Goins gọi quá trình này là “giai đoạn ở giữa” —nó đại diện cho sự căng thẳng giữa hiện tại và bước kế tiếp trong tương lai gần. Giai đoạn này khiến bạn thấy vô cùng rắc rối phức tạp và mệt mỏi. Giống như con tôm lột, bạn đã quá lớn, đã ném đi cái vỏ cũ nhưng lại chưa tìm thấy cái vỏ mới cho mình. Bạn cảm thấy trần trụi và nguy hiểm.
Khi vào một màn mới, bạn sẽ thấy mình giống như đứa trẻ
Vào mỗi giai đoạn mới trong hành trình của một đời người, bạn đều sẽ thấy mình giống như một đứa trẻ. Bạn gặp những điều mới lạ, và bạn học cách xử lý chúng. Bạn sẽ nhìn lại những bài học cũ nhưng từ những góc độ mới và rút ra kết luận mới.
Liên tục trưởng thành cũng là liên tục trở lại làm một đứa trẻ. Trẻ con luôn tò mò và ham khám phá những thứ mới lạ. Một khi bạn đã học xong và cho rằng mình có đủ kinh nghiệm với một thứ, bạn sẽ tự mãn và đình trệ. Vì vậy bạn cần phải trở thành trẻ con một lần nữa để tìm lại sự tò mò, sự ham muốn học hỏi, và sự trưởng thành. Cứ như vậy thì bạn sẽ không bao giờ bị bế tắc hay giậm chân tại chỗ.
Bỏ xuống sau lưng
“Hãy huấn luyện bản thân để có thể buông xuống những thứ mà anh sợ mất đi.” — Yoda
Bản thân tôi cũng đang trong gia đoạn lột vỏ và xây dựng cái vỏ mới. Và để chắc chắn là cái vỏ mới này đủ rộng rãi, tôi đã và đang suy nghĩ rất cẩn thận những vấn đề như: nhân vật nào sẽ diễn xuất trong màn này? Tôi sẽ đóng vai nào? Vai đó có tính cách, thói quen nào?
Trong quá trình lột vỏ, tôi quyết định lập một tài khoản email mới vì cái cũ hiện giờ toàn rác. Tôi đổi số điện thoại lần đầu tiên trong hơn mười năm. Tôi bỏ Facebook, dù không biết lúc nào sẽ lại đụng đến nó. Tôi nói chuyện với những người bạn thân, những người có ảnh hưởng lớn với cuộc đời tôi trong giai đoạn vừa qua, và kể cho họ về dự định trong tương lai gần của tôi.
Tôi không nói rằng bạn cần đột ngột kết thúc các mối quan hệ một khi đời sang trang mới. Ở đây tôi chỉ lấy trường hợp của mình làm ví dụ: tôi có hai người bạn rất thân thời trung học, nhưng hiện nay vị trí mà họ từng đứng đã không còn thích hợp trong cuộc sống hiện tại của tôi nữa. Như tôi đã nói, hoàn cảnh sẽ quyết định ý nghĩa của một sự vật, sự việc trong mắt bạn.
Trong hoàn cảnh hiện tại của tôi, sau khi đã đắn đo và suy ngẫm kỹ càng, tôi là một người chồng, là cha nuôi của ba đứa trẻ, là một sinh viên, và một nhà văn. Những thân phận, vai diễn mà tôi đóng trong màn này sẽ đóng cùng với các nhân vật khác với màn trước. Ví dụ, người hướng dẫn đề tài Tiến sĩ của tôi không tồn tại trong màn trước, nhưng cô ấy lại là một nhân vật chủ chốt trong màn này.
Ngoài ra, công việc viết lách và tư vấn hiện tại của tôi đưa đến cho tôi những nhân vật trọng yếu với màn hiện tại. Chúng tôi giúp nhau đưa mọi người trong nhóm hoàn thành màn này để cuộc đời bước sang màn kế tiếp.
Điều này cũng không có nghĩa là hai người bạn thời trung học đã biến mất khỏi cuộc đời tôi. Chỉ là họ không còn xuất hiện trong màn này nữa. Sự liên kết gắn bó giữa chúng tôi là hoàn toàn tồn tại. Nhưng quá khứ chỉ là để nhìn lại mà không phải để đắm chìm và sống mơ màng trong đó. Như Dan Sullivan trong phim Strategic Coach đã nói, “Hãy ở bên những người khiến bạn nghĩ về tương lai hơn là nghĩ về quá khứ.”
Rời đi cái vỏ cũ an toàn và thoải mái có thể là một điều đáng sợ. Nhưng cứ khăng khăng một mực với những lối cũ, hay những mối quan hệ đã không còn ý nghĩa sẽ chỉ khiến bạn mãi giậm chân tại chỗ.
Thay đổi là một chuyện khó khăn, nhưng bạn nên quý trọng nó. Cuộc sống là một quá trình không ngừng phát triển và biến hóa. Trong đó, các mối quan hệ là thứ quan trọng và ý nghĩa nhất. Sự điều chỉnh và biến hóa mỗi khi qua màn không xóa nhòa các mối quan hệ, mà ngược lại, làm chúng trở nên có ý nghĩa hơn.
Mỗi màn kịch mới là một bước phát triển của màn kịch trước
Mỗi màn mới đều sẽ khác với màn trước. Trong một số màn, bạn có thể đứng trên đỉnh thế giới. Trong một số khác, bạn lại phải chật vật để sống còn.
Tuy nhiên, bạn cần phải luôn phấn đấu và trưởng thành. Qua mỗi màn của vở kịch, bạn nên sử dụng thời gian một cách hiệu quả hơn, khiến tính cách của mình hoàn thiện hơn, công việc mình làm có ý nghĩa hơn và các mối quan hệ sâu sắc hơn.
Không cần biết những thay đổi ngoại tại trong các màn như thế nào, nhưng bên trong bạn phải trở nên tốt hơn, thành thục hơn. Không ai khác, chính bạn là người quyết định tốc độ mà bạn phát triển. Khả năng thích ứng với mỗi màn mới – quá trình phát triển từ một đứa bé ngây ngô trở thành một chuyên gia – sẽ quyết định tốc độ chuyển tiếp của bạn từ màn này sang màn khác, từ cái vỏ tôm này sang vỏ tôm khác.
Tiềm năng của bạn không có hạn mức. Chính bạn, chứ không phải gen di truyền hay xã hôi xung quanh, sẽ quyết định bạn sẽ đi đến trang nào của cuộc đời. Bạn là người quyết định cách bạn phản ứng trong mỗi giai đoạn. Và hãy nhớ rằng, cách bạn phản ứng trong màn kịch hiện tại sẽ ảnh hưởng đến màn kịch tiếp theo, và thậm chí là các màn tiếp theo nữa.
CTV biên dịch và tổng hợp dựa trên bài viết của Benjamin Hardy.