Làm sao để “làm như trâu” mà không bị kiệt sức?

Đời là bể khổ, càng hiện đại lại càng khổ. Càng ngày cuộc sống càng áp lực, yêu cầu công việc càng cao, rồi mong đợi từ bạn bè, trách nhiệm với gia đình càng nhiều. Như một con thuyền nhỏ lênh đênh trên biển lớn, làm cách nào để sóng nước không nhấn chìm bạn?


Bạn có từng thấy công việc đòi hỏi ở bạn quá nhiều thứ? Nếu bạn đã từng cảm thấy như vậy, đó cũng không phải là chuyện gì đáng ngạc nhiên. Cuộc sống hiện đại là như thế: rất nhiều đòi hỏi.

Hiện tượng này đã diễn ra từ hàng thập kỷ trước, và thường đi kèm với nó là sự kiệt sức. Các nhà nghiên cứu đã bắt đầu nhìn thẳng vào hiện tượng kiệt sức từ những năm 70. Kết quả? Không hề lạc quan.

Các nghiên cứu cho thấy sự kiệt quệ kéo dài gắn liền với những vấn đề như:

  • Lo lắng.
  • Trầm cảm.
  • Mất ngủ.
  • Giảm trí nhớ.
  • Kiệt quệ có thể dẫn đến đau mỏi cổ.
  • Kiệt quệ còn tăng nguy cơ gặp phải các bệnh về tim mạch.
  • Vẫn còn, còn nữa…

Cho nên, theo một nghĩa nào đó, lao đầu vào công việc là phải trả giá. Bản thân tôi đã từng trải qua những tháng ngày áp lực bởi những đòi hỏi ngặt nghèo trong công việc, nên tôi hiểu khá rõ những nguy cơ mà nó mang lại.

Những áp lực, đòi hỏi có thể đến từ phía sếp, cũng có thể đến từ chính bản thân bạn, nhưng cho dù là cái nào đi nữa, chúng đều dẫn đến một kết quả: mỗi ngày, bạn đều không thể đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn, mong đợi đề ra; điều đó khiến bạn kiệt quệ.

Làm thế nào để ngăn ngừa vấn đề đó? Rất không may, không có câu trả lời nào đủ đơn giản dễ hiểu mà các nhà nghiên cứu có thể cho bạn ở đây cả. Các nghiên cứu khoa học chỉ có thể thăm dò nguyên nhân và hậu quả.

Chúng ta biết rằng những đòi hỏi cao trong công việc sẽ tăng nguy cơ bạn bị kiệt quệ. Vậy làm thế nào để đáp ứng được các yêu cầu công việc trong thời hiện đại mà không hy sinh sức khỏe của mình?

Tôi nhận ra một điều, đó là không có câu trả lời ngắn gọn nào cho câu hỏi này. Không ai có thể nói cho bạn: hãy làm XYZ và bạn sẽ không bao giờ phải lo mình bị kiệt quệ.

So với việc tìm kiếm một câu trả lời, bạn nên nhìn thẳng vào bản thân, vào công việc của bạn, và luôn ghi nhớ: chăm chỉ trong công việc là một phẩm chất tốt, nhưng không cần thiết hy sinh mọi thứ vì nó.

Tôi không thể cho bạn một liệu pháp hữu hiệu để ngăn ngừa việc “kiệt sức do công việc”.

Nhưng tôi có thể chia sẻ phương pháp mà tôi thấy có hiệu quả đối với tôi.

Trong suốt một năm rưỡi vừa qua, tôi làm việc 6-7 ngày một tuần. Và trong khoảng thời gian đó, tôi chỉ nghỉ phép được 10 ngày. Tôi không cảm thấy thực sự cần được nghỉ phép và đi du lịch mỗi 6 tháng một lần như trước.

Tôi đã làm việc rất cật lực, hầu như ngày nào cũng như ngày nào. Nhưng tôi cũng đã giữ cho mình (hầu như) không sụp đổ. Tôi đã làm thế nào?

1. Yêu việc mình làm

Một khái niệm cũ rích, tôi biết. Ai cũng biết công việc sẽ dễ chịu hơn rất nhiều nếu bạn yêu thích nó. Nhưng liệu bạn có biết rằng thật ra chúng ta có thể học cách tận hưởng công việc mình đang làm?

Bạn có hai lựa chọn:

  • Phàn nàn, rằng bạn ghét công việc của mình.
  • Tận dụng nó.

Đôi khi chúng ta quên mất chúng ta luôn có sự lựa chọn. Nếu bạn ghét việc của mình, đấy là lựa chọn của bạn. Marcus Aurelius từng nói: “Bạn không có quyền năng điều khiển những thứ bên ngoài, nhưng bạn có thể điểu khiển trí óc của mình. Nếu nhận ra điều đó, bạn sẽ tìm thấy sức mạnh.”

Tất nhiên, bạn cũng có thể học hỏi và tiến bộ trong công việc mà bạn đang làm. Và nếu điều đó không thể thực hiện được, hãy coi công việc đó là một việc làm thời vụ.

Chúng ta ai cũng từng có những công việc không hợp ý mình. Hãy chịu đựng một chút rồi kiếm công việc khác. Nhưng trong lúc đó, bạn nên tận hưởng công việc mình đang làm. Nếu chịu khó tìm kỹ, bạn sẽ luôn tìm thấy những điểm tích cực ở bất cứ thứ gì trên đời.

2. Đừng đánh giá quá cao bản thân

Nhiều người trong số chúng ta cho rằng mình đủ khả năng xử lý tất cả mọi thứ mà cuộc sống trao cho mình.

“Anh có muốn quản lý dự án này không?”

“Tôi nghĩ chị có thể nhận trọng trách lớn hơn.”

“Bạn có muốn phát biểu cho buổi lễ?”

Có, Có, CÓ!

Vấn đề là: bạn không phải là một siêu nhân.

Đôi khi, điều mà bạn cần nói là: không, Không, KHÔNG.

3. Tìm sự giúp đỡ

Xin chào anh bạn kiêu căng ngạo mạn cho rằng mình không bao giờ cần nhờ đến người khác!

“Tôi có thể tự làm được,” hẳn là câu cửa miệng của anh.

Tôi biết anh rất giỏi, rất thánh, nhưng trên đời không ai có thể làm một mình. Anh luôn cần có người khác. Anh luôn cần có cả một hệ thống để hỗ trợ mình. Đừng bao giờ nghĩ rằng anh có thể làm mọi thứ một mình.

Hãy nhờ cậy đồng nghiệp, bạn bè, sếp, gia đình, hay bất kỳ người nào anh biết. Họ sẽ hiểu cho anh, nếu họ coi anh là bạn.

4. Đừng cho rằng mình là nguyên nhân, là lỗi lầm

Bạn có thấy thế giới đè nặng trên vai? Thấy mình có trách nhiệm với gia đình, bạn bè, nhân viên, hay với những người khác? Đã đến lúc bạn tỉnh ngủ rồi đó. Mọi người có thể tự lo cho chính họ – họ không cần bạn làm anh hùng.

5. Làm như vậy để làm gì?

Đôi khi chúng ta làm những điều vớ vẩn chẳng có ý nghĩa gì. Vậy nên, trước khi làm gì hãy hỏi mình câu hỏi trên, “Làm như vậy để làm gì?” Bạn không trả lời được phải không? Vậy thì đừng làm.

Tôi là người thực tế. Người thực tế là người:

“Quan tâm đến kết quả, đến sự hữu dụng, lợi, hại, và những yếu tố tương tự của hành động hay kế hoạch.” Kết quả mới là yếu tố quyết định.

6. Bạn không thể có mọi thứ

Tôi đã chấp nhận sự thật là mình không thể đạt được mọi thứ mình muốn. Tôi không thể dành thời gian cho bạn bè, gia đinh, công việc, tập gym, đi du lịch cùng một lúc. Nhìn một cách thực tế, tôi cần chọn ra một hai thứ chính và tập trung vào chúng.

Cuộc sống là một chuỗi những lựa chọn. Nếu bạn muốn làm tốt, với tất cả sức mình, bạn cần phải chấp nhận hy sinh một chút.

Bạn chỉ có ngần ấy thời gian và không ai bán thêm cho bạn cả. Vậy nên, bạn cần sử dụng nó một cách khôn ngoan. Quyết định đi và kiên trì với nó. Chỉ có những kẻ sống trong ảo tưởng mới lo ngại rằng mình sẽ phải bỏ qua một số cuộc vui trong đời, bởi vì đó là chuyện đương nhiên.

7. Vận động mỗi ngày

Việc vận động hàng ngày giúp bạn giảm stress, chải vuốt những lo lắng trong tâm tưởng và tăng khả năng tập trung trong ngày. Bạn biết điều đó phải không? Vậy sao còn không làm đi?

Từ khi tôi bắt đầu chạy bộ hàng ngày, tôi đã thấy mình ít bị stress hơn. Theo tôi, việc vận động mỗi ngày là thiết yếu. Đơn giản là: ngày nào cũng cần phải vận động, không cần lý do lý trấu.

8. Nghỉ xả hơi

Thật lòng mà nói, đôi khi không làm gì cả cũng có điểm tốt của nó. Đây là cuộc sống chứ không phải trong sách vở, xả hơi một chút đâu có gì to tát. Nghiêm túc một cách thái quá có lẽ là một vấn đề mà nhiều người có nhưng không nhận ra.

“Tôi cần kiếm nhiều tiền hơn.”

“Tôi cần phải đạt được vị trí này.”

“Tôi cần phải mua được một chiếc xe hơi.” Ai nói? Ai nói bạn cần phải như thế?

Ngoài ra, nếu bạn thấy khó chịu với mọi thứ, đó là một triệu chứng xấu. Bạn cần nghỉ ngơi, thực sự nghỉ ngơi.

Hãy nhận ra một điều rằng mọi người đều phải đối mặt với khó khăn, và kha khá trong số đó là những vấn đề mà ai cũng gặp phải. Cuộc sống thực sự không dễ dàng với một ai. Vậy nên đừng khiến nó khó sống hơn với sự nghiêm túc thái quá của chính mình.

Vậy đó, đó là công thức của tôi. Tôi luôn tâm niệm rằng mọi thứ trong cuộc sống đều không phải là cố định, là bất biến. Nếu tôi không thích cuộc sống đang có, tôi sẽ thay đổi nó.

Tôi có gì để mất? Tiền bạc ư? Danh vọng ư? Vớ vẩn! Tôi không cần những thứ đó. Nên nhớ, chúng ta luôn có thể làm lại từ đầu. Cái mà chúng ta đạt được là cả một cuộc đời.                                                                                                                                               

CTV biên dịch và tổng hợp