
Cắt nghĩa của từ “tự trọng”: “tự” là đối với bản thân, “trọng” là nặng, “tự trọng” là biết và hiểu được giá trị của bản thân, hay nói cách khác là nghiêm túc nhìn thẳng vào chính mình. Không phải nhìn lên, cũng không nhìn xuống, mà là nhìn thẳng vào với đủ tôn trọng và khách quan.
Hãy thử ngẫm lại số lần bạn có ý kiến nhưng không muốn nói ra vì bạn nghĩ sẽ không ai quan tâm. Hãy thử đếm số lần bạn cảm thấy vô cùng hứng thú với một ý tưởng của mình nhưng rồi không theo đuổi nó vì cho rằng nó chưa đủ tốt. Hãy nhẩm xem số lần bạn bắt tay vào làm một việc nhưng rồi bỏ cuộc giữa chừng vì bạn sợ sẽ không ai thích sản phẩm của mình.
Bạn sẽ thấy rất nhiều bài viết khuyên bạn “cứ làm đi,” – đừng lo lắng người khác nghĩ gì, hãy tiến tới, hãy kiên trì, đừng bỏ cuộc!
Nhưng nếu bạn không nghiêm túc với chính mình, những lời khuyên đó với bạn đều chỉ là vô nghĩa. Bạn sẽ luôn tự thuyết phục mình rằng việc mình muốn làm còn chưa đủ ý nghĩa.

Tôi đã không nghiêm túc đối diện bản thân mình trong một thời gian dài. Thành thật mà nói, đến giờ tôi vẫn chưa hoàn toàn nghiêm túc với bản thân đâu. Rồi cho đến một năm trước, tôi chợt nhận ra ở một vài người một loại giá trị, một loại tính cách khiến họ vô cùng hào hứng với việc họ làm và tập trung vào đó như thiêu thân lao vào lửa. Họ có sự kiên định và nghị lực để leo lên đỉnh Olympus để hét lên với cả thế giới điều họ muốn nói.
Mình cũng có thể leo núi, mình cũng có thể hét rất to, tôi biết điều đó. Nhưng tôi vẫn luôn thuyết phục mình đừng có làm. Tôi nhận ra mình chưa từng nghiêm túc với bản thân.
Viết xuống những dòng này, đối với tôi, là cả một quá trình giãy dụa…
Tại sao lại viết nó? Đây là một sự lặp lại. Thật ngu ngốc. Trước đây hẳn đã có người viết về nó rồi, tốt hơn là đằng khác. Mình liệu có biết mình đang định nói gì? Sẽ không ai đọc nó đâu. Mình nên tìm chủ đề khác. Đừng lãng phí thời gian nữa.
Những ý nghĩ đó đến với tôi gần như mỗi khi tôi định viết cái gì đó mới. Chúng là kết quả cuả việc tôi không coi trọng, không nghiêm túc nhìn thẳng vào quan điểm của mình, ý tưởng của mình, cuộc đời của mình.
Hậu quả là gì?
Bạn lãng phí rất nhiều thời gian mơ mộng hão huyền mà không làm được gì cả. Bạn nảy ra ý tưởng, nhưng bạn bỏ cuộc trước khi bạn bắt đầu. Hoặc bạn nhúng tay một chút rồi bỏ cuộc vì cho rằng ý tưởng đó có vẻ ngu ngốc, không trọn vẹn, không đủ hay ho, không ai thích.
Rồi sau cùng điều tệ nhất là gì? Là mười năm sau, khi bạn nhìn lại, bạn sẽ nhận ra rằng nó không vớ vẩn như bạn tưởng, rằng bạn đã có thể có ít nhiều thành tích nếu bạn kiên trì với nó.
Còn hậu quả nào nữa không?
Bạn mắc kẹt trong một cuộc sống mà bạn không mấy tự hào. Bạn chờ, chờ đợi với hy vọng một ngày nào đó cái ý tưởng đúng đắn sẽ xuất hiện trong cuộc sống của bạn và đưa bạn tới thành công. Bạn dùng thời gian vào những việc bạn cho rằng mình cần phải làm chứ không phải là những việc mà bạn thực sự muốn làm. Bạn làm việc chăm chỉ, bạn làm tốt bổn phận của mình nhưng luôn cảm thấy chính mình đang rất tù túng, lúc nào cũng cảm thấy như đang phải sống cho người khác chứ không phải là cho chính mình.
Rồi mười năm sau, bạn không còn biết mình là ai, không còn phân biệt được đây là điều mình muốn hay là người khác muốn ở mình.
Rồi còn gì nữa không?
Sẽ đến một ngày, bạn gặp một người có cùng ý tưởng với bạn, nhưng khác với bạn, cô ấy chia sẻ ý tưởng đó với cả thế giới, cô ấy không để nó trôi đi mất.
Có thể bạn sẽ nói “nó giống y hệt ý tưởng của tôi!”. Đúng vậy, nhưng họ coi trọng ý tưởng đó. Họ nghiêm túc với bản thân. Họ tự nhủ, “tôi thấy điều này rất thú vị, chắc sẽ có người cũng cảm thấy như thế,” và họ bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình.
Rồi sao nữa?
Bạn hận những người nghiêm túc với bản thân. Bạn dán cái mác “tự đại” và “hoang tưởng” lên những người dám theo đuổi. Bạn ngưỡng vọng những người thành công và châm biếm bản thân rằng mình sẽ vĩnh viễn không thể đứng trong hàng ngũ của họ.
Bạn tự ruồng bỏ chính mình: làm việc vội vàng hấp tấp, không cho mình thời gian tìm tòi học hỏi, và phán tử hình cho chính ý tưởng của mình khi gặp phải trở ngại. Nhưng chuyện có thể sẽ khác nếu bạn nhận thức được rằng việc bạn làm sẽ tốn thời gian, nhưng thời gian bạn bỏ ra là đáng giá vì trong khoảng thời gian đó, bạn tin vào chính mình.
Rồi sau đó thì sao?
Bạn khổ sở. Bạn giận dữ, giằn vặt và thất vọng chính mình. Bạn tự hỏi tại sao mình không làm gì hết. Bạn cảm giác khả năng của mình chỉ đến thế.
Bạn cảm thấy đã quá muộn.
Nhưng không. Bất kỳ ý nghĩ nào, dù nhỏ nhất, hiện ra trong đầu bạn đều bao hàm vô hạn khả năng. Bạn sẽ sợ hãi vì bạn không biết nó là gì. Bạn sẽ thấy khó khăn vì bạn không biết phải làm thế nào. Nhưng khi bạn nghiêm túc với chính mình, bạn đang cho chính mình một ít niềm tin, rằng mình có thể làm được. Khi trong thâm tâm bạn cho rằng sự tồn tại của mình có ý nghĩa, rằng ý tưởng của mình sẽ có sức ảnh hưởng, thì chắc chắn bạn sẽ tìm thấy cơ hội để chứng minh rằng những ý tưởng đó là có giá trị.
Điều đó có thể chỉ đơn giản là lên tiếng trong công việc. Cũng có thể là làm một việc mà bạn vẫn luôn muốn làm. Hay cũng có thể là viết suy nghĩ của mình lên Tweeter, lên Blog, hay thậm chí là lên sân khấu và chia sẻ nó với hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn người.
Khi bạn nghiêm túc với bản thân, người khác cũng sẽ nghiêm túc với bạn. Bạn sẽ nhìn thẳng vào các ý tưởng của mình. Bạn sẽ không giấu chúng đi. Bạn sẽ không xóa chúng mất. Bạn sẽ học được sự kiên trì.
Hãy nghiêm túc với bản thân.
Đừng coi thường ý tưởng của mình, đừng coi thường chính bản thân mình, bởi vì bạn và những ý tưởng của bạn là quan trọng, là có ý nghĩa, là những chiếc hộp ẩn giấu những thứ mà chính bạn có thể không nhận ra.
CTV biên dịch và tổng hợp dựa trên bài viết của Sarah Cooper.